Thành phố Thuận An nằm ở phía nam tỉnh Bình Dương, giữa thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường: An Phú, An Thạnh, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Bình Nhâm, Hưng Định, Lái Thiêu, Thuận Giao, Vĩnh Phú và xã An Sơn.
Sau đây là danh sách 4 khu di tích lịch sử tồn tại ở Thành phố Thuận An cho tới ngày nay.
Chiến Khu Thuận An Hoà
Năm 2003 huyện Thuận An cho xây dựng một đài tưởng niệm chiến khu Thuận An Hòa tại ấp Hòa Lân 2, xã Thuận Giao cho những ai từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, cho những người từ mọi miền đất nước đến đây sinh cơ lập nghiệp, sẽ không chỉ biết đây là một vùng đất thanh bình với những người năng động, sáng tạo; với những khu công nghiệp phát triển, mà còn thấy được trong từng nắm đất nơi đây có sự hy sinh vô giá của bao lớp người đã chiến đấu không tiếc xương máu mình để gìn giữ sự thanh bình và tự do cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Và thật tự hào chiến khu Thuận An Hòa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh theo quyết định số 582/QĐ-UBND, ngày 07/3/2012 với tổng diện tích là 41492.911m2 .
Hàng năm tại di tích Thuận An Hòa Quân-Dân-Chính Đảng Thuận An tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm như : ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30/4, kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, mừng ngày Quốc Khánh 02/9, đặc biệt là lễ hội đón giao thừa với các tiết mục văn nghệ phục vụ bà con và phát quà Tết cho cán bộ chiến sỹ, công nhân ăn Tết xa nhà….. Ngoài ra tại di tích cũng diễn ra các sinh hoạt đoàn đội trên địa bàn thị xã và các tỉnh lân cận.
Miếu Mộc Tổ
Miếu tọa lạc tại khu 2, khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu, tx.Thuận An với diện tích sử dụng là 89,74m2, được xây theo kiểu nhà dân gian gồm ba gian, hai chái. Nhà thờ chính được làm gỗ với hoa văn chạm khắc tinh xảo thể hiện sự phát triển của ngành nghề mộc rất cao.
Năm 1997, Mặt Trận Tổ Quốc huyện Thuận An cùng Ban nghi lễ của Đình Phú Long và đặc biệt là giới kinh doanh sản xuất ngành mộc thị trấn Lái Thiêu tổ chức vận động kinh phí trùng tu lại ngoi miếu. Đến ngày giỗ tổ ngành mộc 13/6 âm lịch, nhằm ngày 17/7/1997.
Về với Miếu Mộc Tổ hôm nay là về với lễ hội truyền thống dân gian thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh ngành nghề mộc, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư, với sự trung kiên, ý chí chiến đấu, lòng dũng cảm của nhân dân ta trong thời chiến cũng như thời bình.
Miếu được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3875/QĐ-UB, ngày 02/6/2004 và ngôi Miếu để lại dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển của nghề mộc và sơn mài trên đất Bình Dương.
Đình Phú Long
Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị nghệ thuật độc đáo mang đậm nét Nam Bộ. Với phong cách trang trí mỹ thuật thể hiện qua các tranh ghép gốm mang đậm nét truyền thống văn hóa dân gian.
Cuộc sống cư dân Nam Bộ gắn liền với sông nước, đình nằm trên vùng đất với phong cảnh đẹp, có nhiều cây cổ thụ che bóng mát, mặt tiền của đình quay về hướng Nam, nằm cạnh sông Sài Gòn quanh năm đón gió mát lành.
Kiến trúc đình theo kiểu chữ Tam, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa. Ngôi chánh điện gồm: tiền điện, trung điện và hậu điện. Tiền điện hình chữ nhật kiểu nhà dân gian ba gian, hai chái. Toàn bộ mái nhà tiền điện cẩn vào bêtông bằng mảnh gốm sứ màu sắc lấp lánh, trang trí bốn Lân đứng hàng ngang hướng về trước sân đình, hai đầu hồi là hai Rồng dao; phần mái của trung điện chính giữa là hình nhật nguyệt, hai bên đầu hồi được trang trí Long, Lân, Quy, Phụng; Phần mái của hậu hậu điện cũng được trang trí hoa văn Cá Hóa Long, Lưỡng Long Tranh Châu
Đình Thần An Sơn
Đình thần An Sơn là một trong những ngôi đình đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Ngôi đình này đã có tuổi đời trên trăm năm. Không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa tinh thần, đình thần An Sơn còn là căn cứ từng nuôi giấu, chở che cho lực lượng cách mạng trong suốt những năm tháng kháng chiến…
Đình thần An Sơn (Bình Sơn), thuộc ấp An Quới, xã An Sơn, thị xã Thuận An. Đình được xây dựng vào năm 1914, với tổng diện tích sử dụng là 2.700m2 , do nhân dân địa phương tạo lập thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, nằm ở vị trí cạnh ngã ba sông Sài Gòn và Rạch Tra.
Xung quanh đình có nhiều kênh rạch chằng chịt, và các vườn cây trái sum suê rất thuận lợi cho việc lập căn cứ kháng chiến. Các xã An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm và Hưng Định là căn cứ kháng chiến đầu tiên của Thủ Dầu Một và tỉnh Gia Định ngay từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến và đình An Sơn là trung tâm của căn cứ.
Đến năm 1935, người dân trong làng mới đóng góp kinh phí để xây dựng lại ngôi đình bằng gạch vôi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình bị bom đạn phá hoại nhiều lần nên hư hỏng nặng và được người dân đóng góp kinh phí tu sửa nhiều lần. Năm 1989 là năm đình được tái thiết, nâng cấp lại toàn bộ một cách khang trang, vững chắc hơn và bảo tồn nguyên trạng từ đó đến nay.
Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, đình thần An Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh vào ngày 4-7- 2005. Thời gian qua, ngành văn hóa – thông tin TP.Thuận An và chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Nguồn Tổng hợp